Theo Dell Technologies, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu nhưng gặp vấn đề về chiết xuất giá trị từ dữ liệu đang có.
Chiều ngày 24/8, Dell Technologies đã công bố kết quả từ một nghiên cứu, do hãng ủy quyền cho Forrester Consulting thực hiện, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp khó khăn khi khối lượng dữ liệu đổ về ngày càng lớn.

Thay vì mang đến lợi thế cạnh tranh, dữ liệu trở thành gánh nặng bởi một loạt rào cản khi bản thân doanh nghiệp không đủ khả năng lưu trữ, phân tích và ứng dụng dữ liệu nhằm tạo ra giá trị. Điều này gọi là “Nghịch lý về Dữ liệu”.
Khảo sát doanh nghiệp: Vẫn chưa nhiều công ty nắm vững dữ liệu của mình
Những phát hiện này dựa trên khảo sát với 4 nghìn người có quyền ra quyết định tại 45 quốc gia khác nhau, đồng thời là nghiên cứu Bảng Chỉ số Chuyển đổi số của Dell Technologies – một khảo sát đánh giá sự trưởng thành về số hóa của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Bảng Chỉ số Chuyển đổi số gần đây cho thấy vấn đề “Không thể trích xuất các thông tin chi tiết từ dữ liệu và/hoặc quá tải thông tin” chiếm vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng toàn cầu về rào cản chuyển đổi số, tăng 11 bậc so với năm 2016.
Khảo sát cho thấy, có 73% người được khảo sát tại Việt Nam cho biết doanh nghiệp của họ hoạt động dựa trên dữ liệu và “dữ liệu chính là mạch máu của công ty”. Nhưng chỉ có 18% cho thấy họ xem dữ liệu là yếu tố cốt lõi và sử dụng chúng xuyên suốt quá trình vận động của doanh nghiệp. Để làm rõ về nghịch lý này, nghiên cứu đã phác thảo những thước đo khách quan về sự sẵn sàng về dữ liệu của doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy có 91% các doanh nghiệp vẫn chưa phát triển đủ công nghệ và quy trình về dữ liệu, cũng như văn hóa và kỹ năng về dữ liệu. Chỉ 9% doanh nghiệp được xếp hạng Data Champion: Những công ty thỏa mãn cả hai điều kiện trên (về công nghệ/quy trình và văn hóa/kỹ năng).
Các hạn chế và gánh nặng dữ liệu đang tồn đọng tại hệ thống doanh nghiệp
Nghiên cứu cũng cho thấy, có 76% doanh nghiệp thừa nhận họ thu thập thông tin nhanh hơn khả năng phân tích và sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có đến 67% doanh nghiệp cho rằng họ cần nhiều dữ liệu hơn khả năng hiện tại. Điều đó tạo nên một nghịch lý giữa nhu cầu và khả năng xử lý dữ liệu của doanh nghiệp.

Hiện tại có 54% doanh nghiệp bảo vệ một lượng lớn dữ liệu của họ ở các trung tâm dữ liệu mà họ sở hữu hoặc kiểm soát, cho dù có nhiều minh chứng về lợi ích của việc xử lý dữ liệu tại vùng biên (nơi dữ liệu được thu thập).
Bên cạnh đó, các lãnh đạo cũng chưa chú trọng vào dữ liệu và những giá trị mà dữ liệu có thể mang lại, do đó, có 74% doanh nghiệp cho rằng ban giám đốc vẫn chưa có những động thái hỗ trợ cụ thể để phục vụ cho chiến lược dữ liệu và phân tích của doanh nghiệp.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng chưa có những chiến lược CNTT phù hợp khi 49% doanh nghiệp đang tập trung vào các hồ dữ liệu (data lake) mà chưa xem xét đến việc chuẩn hóa những gì đang có
Do vậy, sự bùng nổ của dữ liệu đang khiến công việc của nhiều doanh nghiệp trở nên khó khăn thay vì ngược lại.
Nghiên cứu của Dell Technologies cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế theo yêu cầu (on-demand) đang sẵn sàng để phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, tỷ trọng các doanh nghiệp kỹ thuật số và hành động dựa trên nhiều dữ liệu hơn tăng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, chỉ có 24 % công ty thực hiện chuyển hầu hết các ứng dụng và hạ tầng thành mô hình như-một-dịch-vụ (as-a-service). Mặc cho mô hình này sẽ giúp 78% các doanh nghiệp vượt qua một hoặc tất cả các rào cản như chi phí lưu trữ cao; kho dữ liệu chưa được tối ưu hóa; hạ tầng CNTT lạc hậu; các quy trình quá thủ công để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp… để nắm bắt, phân tích và có hành động tốt hơn trên dữ liệu mà công ty sở hữu.
Ba cách chuyển đổi gánh nặng dữ liệu thành lợi thế
Tuy hiện tại còn gặp phải nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đã có những kế hoạch tận dụng nguồn dữ liệu hiện có và dưới đây là 3 cách các doanh nghiệp có thể chuyển đổi gánh nặng dữ liệu thành lợi thế:
– Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng CNTT để đáp ứng được yêu cầu sử dụng và phân tích dữ liệu của doanh nghiệp.
– Tối ưu hóa “ống” dẫn dữ liệu để dữ liệu có thể “chảy” tự do và an toàn trong khi được tăng cường bởi công nghệ AI/ML.
– Phát triển phần mềm để mang đến những trải nghiệm tích hợp, cá nhân hóa mà khách hàng mong muốn cũng như có thể chủ động thu nhập và sử dụng dữ liệu hiệu quả tối đa.