Ứng dụng điện tử trong y tế, hy vọng lớn cho châu Phi. Cụ thể để làm được điều này họ đã dùng những video hướng dẫn và tư vấn cho các nhân viên hộ sinh qua điện thoại di động. Điều này làm giảm 40% tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.
Những người khốn khổ
Ở Trạm y tế Yubdo, một ngôi làng bụi bặm bao trùm bởi cái nóng của cao nguyên Ethiopia, nằm giữa Thủ đô Addis-Abeba và biên giới với Nam Soudan. Để đến được đây, du khách từ Thủ đô phải đi bằng ô tô mất một ngày rưỡi, băng qua cao nguyên vùng Oromia. Còn phụ nữ mang thai ở các làng lân cận thì phải đi bộ hàng giờ mới đến nơi. Chỉ những phụ nữ cuối thai kỳ mới được dùng chiếc xe cứu thương cũ của trung tâm, cứ vài ngày lại chứng kiến sự ra đời của hàng chục trẻ em.
Ở đây, điện rất hiếm, cơ sở hạ tầng cho y tế còn hiếm hơn. Nước máy không phải lúc nào cũng có sẵn, dự trữ dung dịch sát trùng nghèo nàn, không được bổ sung từ nhiều tháng và có nguy cơ sắp hết. Tuổi thọ trung bình không vượt quá 57 tuổi. Người ta đã tính rằng trong cả nước, cứ 1.000 trẻ sơ sinh thì có 59 ca chết, một trong những tỉ lệ cao nhất ở châu Phi, thường là do nhân viên y tế thiếu đào tạo.
Và dù trong tình trạng cũ nát, thiếu thốn, trạm y tế Yubdo lại được đặc trưng bởi tỉ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh giảm ổn định. Vậy bí quyết là gì? An toàn – Tận nơi, một ứng dụng điện thoại đang được thử nghiệm do Tổ chức Bà mẹ của Đan Mạch tài trợ với mục đích đào tạo các nhân viên hộ sinh Ethiopia dự phòng các biến chứng thai sản và giảm nguy cơ chết khi sinh qua các video giáo dục và tư vấn.
Anh Workina là nam hộ sinh. Hơn nữa, có 3 trong 4 nhân viên hộ sinh ở trạm là nam giới. Cầm chiếc điện thoại thông minh trong tay, anh cho biết: “Tôi sử dụng những ứng dụng này hàng ngày, ví dụ, khi tôi được nghỉ giải lao, tôi có thời gian để xem những video mới”. Anh cho biết thêm: “Tôi cũng dùng ứng dụng này khi tôi phải đối mặt với một ca khó và cần biết chính xác phác đồ nào mà tôi phải làm theo. Ví dụ như một ca chảy máu tử cung”.
Cứu tinh từ chiếc điện thoại
Anh Workina đã học thực hành những phác đồ đỡ đẻ khác nhau bằng cách xem hàng trăm giờ các video của Ứng dụng An toàn – Tận nơi, bằng tiếng Oromo và tiếng Amhara. Thường xuyên được cập nhật, các video này cho phép nhân viên hộ sinh hoàn thiện năng lực chuyên môn sản khoa của mình, ví dụ như video BEMONC (Cấp cứu cơ bản Sản khoa và Chăm sóc sơ sinh). Nhiều video cũng được dành cho công tác phòng chống các bệnh nhiễm trùng của mẹ khi mang thai có thể lây cho trẻ sơ sinh như: Vi khuẩn đường ruột Escherichia coli, trực khuẩn gram (+) Listeria, liên cầu khuẩn Streptococcus, vv…

Ở Gimbi, một thành phố lớn ở khu vực, hay ở Thủ đô Addis-Abeba, nơi mà sóng Internet cho điện thoại di động rất kém thì những video này có thể sử dụng ngoại tuyến sau khi tải về điện thoại là yếu tố rất quan trọng. Điện thoại thông minh và nối mạng được cung cấp miễn phí bởi đội ngũ Ứng dụng An toàn – Tận nơi, do Feyisa Daro, quản lý vùng phụ trách. Anh giải thích: “Trong trường hợp không có mạng, nhân viên hộ sinh vẫn được đào tạo bằng cách gửi cho nhau tất cả các video qua Bluetooth”.
Bên cạnh việc cải thiện kiến thức và thực hành của họ. Anh Feyisa Daro lưu ý rằng các nhân viên hộ sinh sử dụng Ứng dụng này để đào tạo những người mới hoặc để tiến hành các chiến dịch tuyên truyền trong các làng thông qua các video hoạt hình giúp các phụ nữ mang thai “hiểu những gì đang diễn ra trong bụng họ”.
Được công nhận và chứng nhận bởi bộ Y tế và Liên đoàn Hộ sinh Ethiopia, vừa được tặng thưởng bởi Tổ chức Pierre Fabre, Ứng dụng An toàn – Tận nơi đã giúp cứu nhiều mạng sống kể từ khi được tung ra vào năm 2012. Lúc đó, gần 150 chiếc điện thoại thông minh được trao tặng. Một nghiên cứu năm 2016 của Hiệp hội Y khoa Mỹ đã chứng minh rằng những nhân viên hộ sinh Ethiopia tự học mỗi ngày trên ứng dụng thì đều có rất nhiều cơ hội cứu sống trẻ sơ sinh trong phòng hộ sinh. Cùng một nghiên cứu, liên quan đến 3.600 phụ nữ có thai và 176 nhân viên hộ sinh phân bố ở 73 trạm y tế nông thôn ở Ethiopia được trang bị Ứng dụng An toàn Tận nơi, đã chỉ ra rằng tỉ lệ chết trẻ sơ sinh từ 23 xuống còn 14 ca chết trên 1.000 ca sinh trong khu vực nghiên cứu trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm 2013 đến tháng 1 năm 2015.
Chuyên mục châu Phi của báo Lemonde đề xuất làm một sê ri nhỏ giới thiệu về 4 dự án kỹ thuật số được Tổ chức Pierre-Fabre trao thưởng và được phát triển ở Ethiopia, ở Senegal và ở Botswana.
Ứng dụng An toàn – Tận nơi đang được triển khai ở18 nước và các đối tác chiến lược đang hợp tác với các bộ Y tế chủ yếu ở Tanzania, Ấn Độ, Lào, Kenya và Nigeria.
Theo Người Đưa Tin