Qualcomm cho biết, chính sách chia sẻ bằng sáng chế của Qualcomm là chính sách chia sẻ công bằng và không phân biệt đối xử. Hiện tại hãng có 4 doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chính sách này.
Khi chia sẻ bản quyền các công nghệ của mình, Qualcomm sẽ thu một khoản phí bản quyền và khoản phí này sẽ được sử dụng để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới ở Qualcomm. Khi phát triển được các công nghệ mới, Qualcomm sẽ lại tiếp tục chia sẻ với các doanh nghiệp.

Chính sách chia sẻ bản quyền sáng chế là gì?
Ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Cambodia cho biết, mô hình chia sẻ sáng chế được Qualcomm áp dụng cho tất cả các đối tác mà Qualcomm gọi là direct licensing – tức là những đối tác có ký hợp đồng chia sẻ bản quyền công nghệ từ Qualcomm. Trên thế giới hiện nay, Qualcomm có khoảng hơn 300 đối tác như vậy, trong đó là 4 đối tác Việt Nam.
Trong chương trình này, các đối tác được quyền sử dụng những bằng sáng chế của Qualcomm cho một số lĩnh vực tùy đối tác lựa chọn. Một số lĩnh vực như thiết bị đầu cuối, IoT, thiết bị small cell cho hạ tầng, thiết bị hạ tầng đầu cuối. Qualcomm cũng đã công bố rộng rãi về vấn đề thu phí. Các đối tác sẽ trả cho Qualcomm một mức chi phí gọi là royalties fee, tương đương 5% dựa trên giá bán của thiết bị. Đây là mức phí chuẩn trên toàn cầu (trừ Trung Quốc) được Qualcomm công bố trên website.
Chính sách chia sẻ bản quyền của Qualcomm và đối tác Việt Nam
Ông Thiều Phương Nam cập nhật rằng, Qualcomm đang hỗ trợ đối tác OEM tại Việt Nam trong xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, mọi việc đang được triển khai và đảm bảo tôn trọng một số cam kết về thương mại. Tuy nhiên, Qualcomm muốn chia sẻ một số cập nhật trong việc hỗ trợ cho các đối tác Việt Nam phát triển ra nước ngoài.

Năm 2017, Qualcomm ký hợp tác thỏa thuận với tập đoàn VNPT, cụ thể là ở mảng sản xuất thiết bị cho tập đoàn. Năm qua, Qualcomm tiếp tục làm việc với VNPT để sản xuất các thiết bị kết nối và mục tiêu không chỉ hỗ trợ cho các khách hàng của VNPT tại Việt Nam mà còn hỗ trợ cho các quốc gia VNPT đang mở rộng đến. VNPT cũng đã công bố có những hoạt động mở rộng ở những thị trường mới, chẳng hạn như Myanmar và một số thị trường ở Nam Á. Những sản phẩm hợp tác giữa Qualcomm và VNPT không chỉ nhắm vào thị trường Việt Nam mà còn ở những thị trường khác.
Ngoài ra, tập đoàn BKAV cũng đặt mục tiêu đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài và Qualcomm cũng hỗ trợ cho kế hoạch này.
Qualcomm có thể hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam về rất nhiều mặt. Thứ nhất, Qualcomm có mối quan hệ chặt chẽ với hệ sinh thái di động ở các nước khác, đặc biệt là các nhà mạng. Thứ hai, Qualcomm có thể cung cấp cho các đối tác Việt Nam thông tin cần thiết để họ biết cần phải làm gì khi đưa ra sản phẩm ra thị trường nước ngoài, bởi các sản phẩm viễn thông sản xuất tại Việt Nam chưa chắc đã dùng được ở các nước khác do nhu cầu băng tần khác nhau. Đồng thời, Qualcomm còn có thể kết nối các nhà sản xuất Việt Nam với các đối tác nước ngoài.