Với kinh nghiệm về lĩnh vực thông tin di động của mình, Qualcomm sẽ phối hợp với chính phủ Việt Nam để triển khai mạng 5G, Chính phủ Thông minh, Thành phố Thông minh – theo chia sẻ với giới báo chí của ông Alex Orange, Giám đốc – Phụ trách Quan hệ Chính phủ của Qualcomm Khu vực Đông Nam Á, Đài Loan và Thái Bình Dương hôm nay (25/1/2018).
Cụ thể ông Alex Orange cho biết, hiện tại Qualcomm đang phối hợp với chính phủ Việt Nam trong việc triển khai và quản lý băng thông. Qualcomm cũng phối hợp với chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng chính phủ thông minh, thành phố thông minh.
Chính phủ mỗi quốc gia đều có những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển như y tế, giáo dục. Qualcomm mong muốn được phát huy và ứng dụng công nghệ di động vào cuộc cách mạng chuyển đổi những dịch vụ công này.

Hiện tại, Qualcomm đang hợp tác với Bộ TT-TT, Bộ Công thương và Bộ KH-CN trong việc cung cấp thông tin, cố vấn về lĩnh vực quản lý tần số, cách thức vận dụng công nghệ trên thế giới và những dịch vụ phù hợp. Hệ sinh thái di động là một hệ sinh thái toàn cầu, chứ không chỉ riêng Việt Nam. Vì thế, Qualcomm còn cung cấp thông tin giúp chính phủ Việt Nam phát triển hệ sinh thái di động một cách hài hòa, phù hợp với hệ sinh thái di động toàn cầu.
Triển khai 5G – cần triển khai ngay vì lợi ích kinh tế lớn
Trong thời gian tới, 5G là công nghệ di động quan trọng trên toàn thế giới. Công nghệ này có 3 thành phần chính: nền tảng băng thông di động cải tiến giúp trải nghiệm hình ảnh và âm thanh trở nên sống động hơn với AR, XR… 5G còn được ứng dụng vào các dịch vụ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống và xã hội, như dịch vụ ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra thảm họa. Trong những tình huống khẩn cấp như vậy, yêu cầu về thông tin rất quan trọng. Các quốc gia cần phải có kết nối thông tin chất lượng và độ an toàn, tin cậy cao giúp giải quyết tình huống. Thành phần thứ ba là ứng dụng rộng rãi và toàn diện trong các thiết bị IoT, giúp kết nối các thiết bị điện tử lại với nhau.

Công nghệ 5G quan trọng vì nó có thể tạo ra các tác động kinh tế, lợi ích kinh tế rất lớn. Theo như đánh giá của IHS năm 2017, tiềm năng kinh tế của 5G được thể hiện qua hàng hóa và dịch vụ là 12.000 tỷ đô la Mỹ vào năm 2035, vượt qua GPD của nhiều quốc gia phát triển.
Công nghệ 5G có thể tạo ra những sản phẩm kinh tế mới như các doanh nghiệp hoàn toàn mới, tái định nghĩa mô hình ngành công nghiệp đang hiện hữu. 5G thay đổi cách con người giải trí, không còn giải trí đơn thuần mà sẽ có những trải nghiệm thật hơn. Khi 5G được ứng dụng trong các thiết bị IoT, trong kết nối mạng lưới điện; điều nay làm cho việc sử dụng các thiết bị điện trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Với việc kết nối ô tô với nhau, công nghệ 5G có thể giúp ô tô có khả năng tự lái, và vận hành an toàn hơn khi tham gia giao thông. 5G hiện nay đã đến rất gần với cuộc sống.
5G sẽ cần nền tảng 4G, tần số đóng vai trò rất quan trọng
Tháng 12/2017 là thời điểm chuẩn công nghệ 5G lần đầu tiên được phê chuẩn. Dựa vào đó, Qualcomm dự kiến công nghệ 5G sẽ được áp dụng vào mạng di động năm 2019, bên cạnh đó sẽ có những thiết bị kết nối 5G được đưa ra thị trường. Tuy là công nghệ tiên tiến hơn, nhưng 5G vẫn cần nền tảng 4G để phát triển và áp dụng.
Hiện nay, Qualcomm đang thử nghiệm 5G trên toàn thế giới từ năm 2017, bên cạnh đó đã công bố modem X50 và mobile chipset sử dụng dữ liệu được kết nối 5G và mô hình tham chiếu cho điện thoại 5G.

Qualcomm cũng đang hợp tác và làm việc với chính phủ Việt Nam để chính phủ Việt Nam có thể chuẩn bị tốt cho triển khai 5G. Hiện Bộ TT-TT đang là cơ quan quản lý chính sách về công nghệ di dộng và phổ tần, Qualcomm đang làm việc với nhau về vấn đề quản lý tần số. Tần số có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ứng dụng ở các lĩnh vực khác nhau như kết nối băng thông rộng, tốc độ cao trong dịch vụ công và các thiết bị IoT. Như vậy, chúng ta cần những băng tần khác nhau để sử dụng cho những mục đích khác nhau.
Đối với các kết nối mang tính phổ quát, ứng dụng cho các hoạt động mang tính ứng cứu, khẩn cấp, chúng ta cần các dạng băng tần thấp. Đối với những dịch vụ công như cấp cứu, khẩn cấp thì sử dụng dải băng tần trung với độ trễ ngắn và đảm bảo thông tin được truyền đi liên tục, đáng tin cậy. Mặt khác, các ứng dụng về kết nối di dộng và giải trí yêu cầu các băng tần rất cao (mmW). Các nhà mạng cần sử dụng những băng tần được cấp phép nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng cao và đáng tin cậy. Ngoài ra còn có những băng tần không cấp phép giúp việc tiếp cận băng thông rộng mới mức giá thấp hơn.

Các quốc gia cần làm việc cùng nhau trong việc thống nhất và hài hòa về tần số được sử dụng toàn cầu nhằm thúc đẩy kinh tế theo quy mô. Qualcomm vẫn đang làm việc với các tổ chức viễn thông của khu vực để thúc đẩy việc hài hòa về tần số ở các nước. Hệ sinh thái di động là một hệ sinh thái toàn cầu. Vì thế, tần số cần phải hài hòa ở các quốc gia. Từ đó, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển kinh tế qui mô càng lớn càng tốt. Bởi vì khi sử dụng tần số chung, sản phẩm dịch vụ sẽ đạt quy mô về thị trường lớn, kéo theo giá thành của sản phẩm/dịch vụ công nghệ và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Những bước đi đầu tiên của Qualcomm trong việc hỗ trợ triển khai Smart City tại Việt Nam
Trả lời cho câu hỏi của TechTimes liên quan đến định hướng và chi tiết cách thức mà Qualcomm hợp tác với Việt Nam trong việc triển khai Thành phố Thông minh (Smart City), ông Alex Orange cho biết công ty đã và đang có những hành động cụ thể. Chẳng hạn, chiều ngày 25/01/2018, Qualcomm sẽ tham gia vào một buổi họp được tổ chức tại UBND TPHCM về chủ đề Thành phố Thông minh.

Qualcomm vẫn đang làm việc với các thành phố ở phía Nam và UBND TPHCM để hỗ trợ cho kế hoạch xây dựng Thành phố Thông minh. Buổi họp này rất quan trọng, có sự tham gia của Qualcomm và một số các doanh nghiệp, công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ và Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ tại TPHCM. Cuộc họp này nằm trong chuỗi các buổi làm việc về Thành phố Thông minh từ tháng 12/2017 tại Nha Trang, Đà Nẵng và Huế.
Ngoài ra, Qualcomm còn đang trao đổi về Thành phố Thông minh với 2 nhà mạng lớn nhất Việt Nam là VNPT và Viettel. Qualcomm đang phát huy những mối quan hệ có sẵn với các nhà mạng và cơ quan chính quyền tại địa phương để có thể hiện thực hóa một số dự án về thành phố thông minh tại Việt Nam.