Bạn có thể biên tập video trên di động, ứng dụng nền web, SEO chuyên nghiệp cho video muốn chia sẻ… với dịch vụ YouTube thông qua những thủ thuật đơn giản.
Chỉnh sửa video trên di động
Ít ai biết rằng ứng dụng YouTube trên di động lẫn dịch vụ nền web tại YouTube.com giờ đây đã hỗ trợ chỉnh sửa video trước khi upload.
Trên ứng dụng di động, sau khi chọn video để upload thì tại giao diện Add detail (thêm thông tin chi tiết), sẽ có 3 tác vụ chỉnh sửa cơ bản giúp video đẹp hơn. Tại thanh trượt Timeline của video, bạn có thể nhấn dấu tròn hai bên để cắt video đến đoạn mong muốn.
Khi nhấn biểu tượng thêm nhạc nền (ở trên góc trái khung video) thì bạn sẽ được chuyển đến giao diện Add music với hàng nghìn bài hát thuộc nhiều thể loại có sẵn trên YouTube để bạn chọn. Nếu bạn muốn chọn nhạc của mình được lưu có trên máy để làm nhạc nền thì chọn On Device.
Nếu muốn thêm hiệu ứng màu sắc cho video sắp tải lên YouTube, bạn chọn biểu tượng “Auto Filter” (biểu tượng chiếc đũa thần ở trên góc phải) và nhấn loại hiệu ứng lọc màu phù hợp cho video trong 10 tùy chọn có sẵn.

Cuối cùng, bạn nhập tiêu đề, mô tả chi tiết cho video và thiết lập mức chia sẻ (riêng tư, chia sẻ qua link và mở cho mọi người xem).
Biên tập video trên trang web YouTube.com không lo vấn đề bản quyền nhạc
Có thể nói trình biên tập video trực tuyến (Online Video Editor) của YouTube khá hoàn chỉnh với đầy đủ tính năng nhất hiện nay nếu bạn không muốn cài thêm ứng dụng lên máy tính.
Để bắt đầu quá trình chỉnh sửa video với YouTube nền web, bạn truy cập vào đây > tải các video muốn chỉnh sửa, cắt ghép lên dịch vụ. Hiện tại, YouTube có thể nhận diện và hỗ trợ được đa số mọi định dạng video, từ MPEG4 (.mp4), MOV, AVI, WMV, 3GPP, MPEGPS, FLV cho đến MTS (AVCHD). Bạn nên thiết lập video ở chế độ Riêng tư (Private) để video chưa hoàn chỉnh không bị người khác thấy.

Sau đó, bạn truy cập vào đây để tải về các đoạn âm thanh, nhạc nền từ kho Audio Library của YouTube. Thư viện âm thanh này có hàng ngàn bài hát miễn phí (Free music) và hiệu ứng âm thanh (Sound effect) để bạn chọn. Khi sử dụng những bài hát hay đoạn hiệu ứng âm thanh này, video của bạn sẽ được an toàn vì có thể sẽ không vi phạm bản quyền dẫn đến có thể bị khóa hoặc chặn âm thanh ở một số quốc gia, khu vực.
Trước khi tải về các đoạn âm thanh này, bạn có thể nhấn Play (biểu tượng hình tam giác) để nghe thử, khi ưng ý thì nhấn nút Download để tải về máy hoặc nhấn dấu sao để đánh dấu. Bạn cũng có thể tìm kiếm đoạn nhạc ưng ý với công cụ Search music đi kèm.
Bước tiếp theo, bạn vào đây để truy cập trình biên tập YouTube Video Editor.
Trước hết, tại giao diện chính của Video Editor, bạn nhấn Project > New Project để tạo một dự án biên tập video mới. Lưu ý rằng, mọi thao tác của bạn trên công cụ này đều được lưu tự động và có thể tiếp tục mọi lúc mọi nơi, miễn nơi đó có đường truyền Internet để truy cập vào YouTube. Bạn có thể theo dõi thông báo trạng thái lưu ở cạnh tên Project, nếu dòng chữ All changes saved thì bạn có thể yên tâm.

Tiếp tục, bạn cần làm quen với 3 khu vực quan trọng của trình chỉnh sửa này. Khung xem trước (Preview) bên trái giúp bạn theo dõi những thay đổi của video trong quá trình biên tập. Khung công cụ ở bên phải giúp bạn thêm video, chèn video nghệ thuật, hình ảnh tĩnh, nhạc, hiệu ứng chuyển cảnh (transition), chữ chú thích/phụ đề… Khung Timeline cuối cùng ở bên dưới giúp bạn xem tiến trình và độ dài video. Khung này còn có chức năng giúp bạn cắt những đoạn video không ưng ý với chức năng Split.

Cách chỉnh sửa khá đơn giản, bạn chỉ việc thực hiện thao tác kéo thả từ khung công cụ chỉnh sửa xuống khung Timeline. Chẳng hạn muốn thêm đoạn video, nhạc nền hay hiệu ứng chuyển cảnh thì bạn hãy chọn và kéo thả chúng xuống khung Timeline, sau đó cân chỉnh lại sao cho phù hợp là được. Để cho khung Timeline hiển thị chi tiết hơn các khung hình, bạn có thể kéo thanh trượt ở mục Zoom (biểu tượng chiếc kính lúp).
Sau khi chỉnh sửa xong video, bạn chỉ việc nhấn Create video. YouTube sẽ tự động tạo video và đưa lên video lên YouTube cho bạn. Video mặc định sẽ chia sẻ ở dạng công khai (Public) nên bạn muốn ẩn video đi thì hãy vào đây để chuyển Privacy về Private.

Thêm tính năng cho video muốn chia sẻ
Bạn có thể bổ sung thông tin, thêm hiệu ứng cho video, thêm chú thích, chèn ảnh đại diện, phụ đề rời cho video bằng cách sau.
– Truy cập vào đây > chọn Edit bên dưới video muốn chỉnh sửa và bắt đầu quá trình thêm tính năng cho video muốn chia sẻ. Việc chỉnh sửa này giúp cho video sinh động và có khả năng tương tác với người xem hơn.

– Thêm hình đại diện (video thumbnail): Mặc định, YouTube sẽ trích xuất 3 khung hình ngẫu nhiên từ video của bạn và chọn 1 hình bất kỳ để làm hình đại diện, bạn có thể thay đổi 2 hình còn lại bằng cách chọn Set as thumbnail. Nếu bạn muốn hình đại diện được sắc nét và đẹp hơn thì nên thay bằng hình khác đúng chuẩn hơn với tùy chọn Custom thumbnail > chọn Save changes để lưu lại. Bạn nên upload ảnh đại diện có kích thước 1280×720 pixel (chiều cao tối thiểu của hình phải đạt mức 640 pixel). Định dạng ảnh mà YouTube hỗ trợ gồm .JPG, .GIF, .BMP và .PNG. Dung lượng file ảnh tối đa 2 MB và bạn nên chọn file có tỉ lệ 16:9 để khớp với khung hình Preview của YouTube. Hình đại diện đẹp cũng giúp cho video của bạn thu hút hơn.

Cũng tại thẻ Info & Settings, bạn có thể thêm tag (không nên quá lạm dụng thẻ tag, vì sẽ bị YouTube hạn chế), thêm mô tả chi tiết (tập trung vào nội dung của video, không quá dài và lan man – nên thêm các trường thông minh mạng xã hội của kênh như Facebook, Twitter… để liên kết với khán giả tiềm năng), và tiêu đề để video dễ được tìm thấy hơn.
Thẻ Translation giúp bạn dịch mô tả, phụ đề video sang nhiều thứ tiếng khác, tuy nhiên để chức năng này hiệu quả hơn thì bạn phải mua thêm gói chuyên nghiệp (professional translation). Thẻ Monetization giúp bạn kích hoạt chức năng đặt quảng cáo lên video để kiếm tiền trên YouTube. Bạn cũng có thể thêm vị trí địa lý cho video, thiết lập hạn chế người xem, đặt ngôn ngữ cho video… tại thẻ Advanced settings.

Tiếp theo, tùy chọn Enhancements giúp bạn chỉnh sửa nhanh video để video đẹp hơn với 3 công cụ tích hợp là Quick fixes, Filters (thêm hiệu ứng lọc màu) và Blurring effects (hiệu ứng mờ). Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chỉnh video khỏi bị tình trạng rung tay với chức năng Stabilize, chỉnh sáng, độ tương phản, độ bão hòa, nhiệt độ màu… cho video. Tại đây, bạn cũng có thể chuyển video sang hiệu ứng tua nhanh (Timelapse) hay quay chậm (Slow motion) hoặc cắt cúp video…
– Ngoài mục Audio để bạn chỉnh sửa nhanh âm thanh cho video, thì mục Annotations sẽ giúp bạn thêm các chú thích ngay trên video. Có nhiều tùy chọn kiểu chú thích như dạng hộp thoại, ghi chú, tiêu đề, spotlight và kiểu nhãn. Ngoài ra, mục Cards giúp bạn thêm các liên kết đến với danh sách phát, video, kênh, thăm dò ý kiến, quyên góp… và mục Subtitles & CC giúp bạn thêm phụ đề cho video.