“Cá mập cắn” là câu cửa miệng của nhiều người Việt mỗi khi sự cố cáp quang biển xảy ra. Song, có một thực tế, những đường cáp quang có sức hút kỳ lạ đối với loài săn mồi này.
Mấy ngày nay, tuyên cáp quang biển Việt Nam đi quốc tế lại gặp sự cố. Theo đó, một đại diện doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho hay, từ chiều ngày 27/8/2017, cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế là Asia America Gateway (AAG), Liên Á (IA) và SMW3 đều đang bị mất lưu lượng trên tuyến, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet của Việt Nam đi quốc tế.
Đây không phải là lần đầu tiên sự cố cáp quang biển Việt Nam đi quốc tế lại gặp trục trặc trong năm nay. Trước đó, các sự cố này cũng liên tiếp xảy ra vào những tháng đầu và giữa năm.
Bao giờ cũng vậy, mỗi khi sự cố trên xảy ra, người Việt Nam lại nói vui rằng, cáp quang biển lại bị “cá mập cắn”. Cụm từ này xuất phát từ vài năm trước, khi trong một lần xảy ra dứt cáp quang tương tự, đơn vị có trách nhiệm duy trì và vận hành tuyến cáp quang AAG, khi đó phỏng đoán nguyên nhân là do cá mập cắn đứt, bởi cá mập không phân biệt được sóng điện từ của cáp quang với điện trường sinh học quanh các đàn cá.
Tuy nhiên, dư luận không tin vào phỏng đoán này, thậm chí họ còn cảm thấy đó là một nguyên nhân khá vô lý và buồn cười. Lập tức, hàng loạt ảnh chế xung quanh chuyện cá mập cắn cáp ra đời. “Cá mập cắn” từ đó trở thành câu cửa miệng của nhiều người Việt mỗi khi sự cố đứt cáp quang đường biển xảy ra.
Song thực tế, cá mập thích cắn cáp quang biển là có thật, và nó cũng được xác định là một trong những nguyên nhân gây nên các sự cố đối với cáp quang biển trên thế giới.
Theo một bài báo đăng trên New York Times năm 1987, các vụ cá mập tấn công sợi cáp quang dưới đáy biển khá phổ biến. Bằng chứng đầu tiên về điều này được pháp hiện trên một đường cáp thử nghiệm ở ngoài khơi quần đảo Canary.
Khi đó, khoảng 88.500 – 96.500 km đường cáp dưới đáy biển cũ làm từ đồng không có vết cá mập cắn, trong khi đó, nó lại xuất hiện trên các cáp quang mới. Điều đó có nghĩa cá mập đặc biệt thích nhai sợi cáp quang.

Giải thích cho điều này, một số người cho rằng dòng điện chạy qua đường dây cáp quang thu hút cá mập, kích thích cảm giác thèm ăn ở chúng, bởi vì cá mập có các cảm biến điện thế ở miệng để tìm mồi, do đó chúng có thể nhầm sợi cáp quang với thức ăn.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Chris Lowe, một trong những sáng lập viên của Phòng thí nghiệm Cá mập ở Đại học California, Long Beach, Mỹ, cho rằng cá mập tấn công sợi dây cáp vì lý do khác. Có thể nó tò mò trước sợi cáp quang. “Nếu bạn để một đoạn nhựa có hình dáng như sợi cáp quang, nhiều khả năng chúng cũng cắn đoạn nhựa đó”, ông nói. Đó là hành động tự nhiên mà chúng ta có thể thấy ở nhiều loài động vật như chó, mèo khi chúng đùa nghịch các đồ vật.
Dù không cắn đứt, nhưng vết răng của của chúng có thể tạo ra các lỗ thủng, khiến nước biển tràn vào, làm ảnh tới khả năng truyền tải dữ liệu.
Guillaume Le Saux, một thuyền trưởng tàu lắp đặt và sửa chữa hệ thống cáp biển mang tên Pierre de Fermat của nhà mạng Orange, Pháp, có hơn 16 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này, cũng thừa nhận thực tế có hiện tượng cá mập cắn cáp quang biển.
“Cá mập có thể đánh hơi thấy các bức xạ điện từ và vì tính hiếu kì nên sẽ cắn dẫn đến hư hỏng”, Guillaume cho biết. Để phòng tránh cá mập cắn, khi biển ấm, tuỳ vào khu vực, Guillaume cùng các đồng nghiệp sẽ bọc những đường dây bằng các ống nhôm ngăn sóng. “Nếu không cảm nhận được năng lượng toả ra, chúng sẽ không thấy cáp để phá hoại nữa”, ông nói.
Nhằm đối phó với các vụ tấn công cáp quang từ cá mập, công ty Google ở Mỹ đã đầu tư 300 triệu USD vào hệ thống cáp quang dưới đáy biển hồi tháng 8/2014. Hệ thống cáp FASTER này không chỉ cung cấp đường truyền tốc độ cao hơn cho các quốc gia châu Á mà còn được bao phủ vật liệu tương tự sợi Kevlar, vốn dùng để làm áo giáp chống đạn. Với việc này, công ty hi vọng có thể chống lại những cú cắn của cá mập.
Clip ghi lại cảnh cá mập cắn sợi cáp quang lan truyền trên Youtube
https://youtu.be/pEcXHOa3jRg
Tuy nhiên, sự cố cáp quang biển do cá mập cắn chỉ là một trong rất nhiều những nguyên nhân. Tại Việt Nam, cáp quang biển gặp trục trặc rất nhiều lần trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, chưa có sự cố nào do cá mập cắn được ghi nhận. Chính vì vậy, bài viết trên chỉ nhằm giải thích rõ câu cửa miệng “cá mập cắn” là như thế nào mà thôi, chứ không để nhận định hay lý giải nguyên nhân của sự cố lần này.
Được biết, ông Vũ Thế Bình – Tổng giám đốc NetNam, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), mới đây đã đưa ra phỏng đoán, nguyên nhân của sự cố xảy ra với các tuyến cáp quang biển quốc tế hôm 28/7, có thể do ảnh hưởng từ cơn bão mới đây ở gần khu vực HongKong. Tuy nhiên ông cũng cho biết chưa có thông tin chắc chắn khẳng định về việc này.
Theo Infogame